Nguyên Nhân Mụn Ở Khu Vực Chân Mày và Cách Khắc Phục
Chân mày là một vị trí nhạy cảm trên khuôn mặt, nơi nhận được nhiều sự chăm chút từ việc tỉa lông mày, kẻ mày đến phun xăm chân mày. Chính vì thế, việc xuất hiện mụn ở chân mày càng trở thành một vấn đề khó chịu. Điều trị và phòng ngừa mụn ở khu vực này cũng có một số đặc điểm đặc trưng do tính chất của da và tầm quan trọng của chân mày đối với tính thẩm mỹ của gương mặt. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp thông tin về nổi mụn ở giữa chân mày, một loại tổn thương da không hiếm gặp và gây ra nhiều sự phiền phức.
Nguyên nhân nổi mụn ở chân mày
Chân mày là một khu vực có nhiều đặc điểm khác biệt với các vùng da khác trên khuôn mặt. Những đặc điểm đặc biệt của chân mày là nguyên nhân giúp vùng da này có thể sinh ra lông mày với chiều dài, hướng mọc và hình dạng phù hợp để tạo hình thành chân mày. Từ chính những đặc điểm này khiến cho chân mày có phần dễ sinh ra mụn hơn.
Đặc điểm vùng da chân mày
Bề dày: da ở chân mày có bề dày lớn hơn vùng da xung quanh do lớp trung bì tăng độ dày. Điều này giúp vùng da chân mày sinh ra lông mày và giữ được hình dạng của chân mày.
Tuyến bã nhờn: vùng da chân mày có nhiều tuyến bã nhờn do có nhiều nang lông. Số lượng tuyến bã nhờn cao khiến cho chân mày dễ bị mụn hơn so với vùng da xung quanh.
Nang lông: vùng da chân mày có các nang lông nhỏ với pha tăng trưởng (anagen) ngắn, sinh ra lông mày ngắn và dày hơn so với tóc. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc tắc nghẽn nang lông dẫn đến mụn.
Cơ chế sinh mụn ở chân mày
Mụn ở chân mày hình thành theo cơ chế sinh mụn thông thường như sự tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông và đáp ứng viêm của cơ thể. Tất cả kết hợp lại tạo ra các loại mụn như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ. Ở chân mày, quá trình sinh mụn dễ xảy ra hơn do:
Tăng tiết bã nhờn: vùng da chân mày có nhiều tuyến bã nhờn, dẫn đến tăng tiết dầu và dễ gây bít tắc lỗ chân lông.
Tăng sừng hóa nang lông: các nang lông ở chân mày có xu hướng dễ bị tắc nghẽn do sừng hóa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm.
Yếu tố gây bít tắc và viêm nang lông ở chân mày
Sản phẩm trang điểm và chăm sóc tóc: phấn, kem trang điểm và keo xịt tóc có thể gây bít tắc các nang lông ở chân mày. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm hoặc khi vận động nhiều, mồ hôi tăng tiết càng làm cho các chất này đọng lại nhiều hơn ở chân mày.
Wax, nhổ, tỉa lông: những hành động này làm tăng nguy cơ lông mọc ngược do tác động vật lý khiến lông mày bị kẹt trong nang lông gây bít tắc.
Cách điều trị mụn ở chân mày tại nhà đơn giản
Khi nổi mụn ở chân mày, không nên quá lo lắng. Có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị mụn, từ các sản phẩm dùng tại nhà đến các phương pháp chuyên sâu do Bác sĩ Da liễu thực hiện. Một số phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:
Retinoid: các hoạt chất nhóm retinoid rất đa dạng và thường có nồng độ thấp trong các sản phẩm không kê đơn. Retinoid giúp tăng tốc độ thay mới biểu mô lót trong nang lông và quá trình bong tróc tế bào sừng, loại bỏ nhân mụn (comedolytic), điều trị mụn hiệu quả.
Salicylic acid: hoạt chất này tẩy tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng và ức chế viêm tại chỗ. Salicylic acid rất hiệu quả trong việc giảm mụn.
Cách phòng ngừa mụn ở chân mày
Phòng ngừa mụn ở chân mày chủ yếu xoay quanh việc giữ vệ sinh da mặt và làm sạch vùng chân mày. Dưới đây là một số lưu ý để hạn chế nguy cơ nổi mụn ở chân mày:
Rửa mặt đúng cách: hãy rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng và tối) hoặc sau khi ra mồ hôi nhiều. Đảm bảo rửa mặt kỹ lưỡng, không bỏ sót bất kỳ vùng nào, đặc biệt là vùng chân mày để làm sạch hoàn toàn bụi bẩn và bã nhờn.
Trang điểm: sử dụng các sản phẩm trang điểm không gây bít tắc lỗ chân lông, tránh các sản phẩm dạng dầu, sáp. Tránh để sản phẩm trang điểm dính vào vùng da chân mày hoặc dùng cọ chải lông mày (spoolie) hoặc bông tẩy trang với nước tẩy trang để làm sạch vùng chân mày sau khi trang điểm. Ngoài ra, nên tẩy trang kỹ để loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm trang điểm.
Chế độ ăn uống: hạn chế thực phẩm có chỉ số GI (glycemic index) cao và thực phẩm từ sữa, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị mụn. Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và hạn chế đồ uống có cồn để giảm stress, ổn định nội tiết tố, giúp hạn chế mụn.
Lưu ý khi điều trị mụn ở chân mày tại nhà
Vùng da chân mày rất nhạy cảm do gần mắt và vùng da quanh mắt. Do đó, cần lưu ý các điểm sau:
Benzoyl peroxide: hoạt chất này thường được dùng khi da bị mụn, ở dạng gel hoặc dung dịch rửa mặt với nồng độ 5%. Tuy nhiên, benzoyl peroxide có thể làm nhạt màu lông và tóc, nên dùng lượng ít, vừa đủ.
Tránh tiếp xúc với mắt: các hoạt chất dùng trong chăm sóc da có hoạt tính mạnh, có thể gây tổn thương cho giác mạc và kết mạc mắt nếu tiếp xúc.
Mụn ở chân mày có thể xuất phát từ cơ địa và thói quen chăm sóc da chưa đúng cách. Để phòng ngừa mụn, hãy chú trọng việc vệ sinh như rửa mặt, rửa tay và tẩy trang đúng cách. Có nhiều phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả, nhưng nếu tình trạng không cải thiện, hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn chuyên sâu.
Xem thêm: Điều trị mụn chuẩn y khoa
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.