Hút chì da mặt: Hiệu quả thải độc hay chỉ là lời đồn?
Có người cho rằng việc sử dụng mỹ phẩm trong thời gian dài có thể làm tích tụ chì trên da, gây ra những tổn thương cho da và khó đào thải. Vì vậy, việc đào thải chì ra khỏi da đã trở thành một chủ đề quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ. Nhân cơ hội này, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã giới thiệu các phương pháp “hút chì da mặt” để cải thiện tình trạng da, bao gồm làm trắng, làm sáng và tăng độ đàn hồi, ngăn ngừa mụn.
Dù nhiều người đang quan tâm đến việc hút chì da mặt, nhưng hiệu quả của phương pháp này vẫn còn gây tranh cãi. Một số người băn khoăn vì sau khi thải chì, da mặt của họ không có bất kỳ sự thay đổi nào, trong khi nhân viên tại các cơ sở thẩm mỹ vẫn khẳng định làn da của khách hàng đã trở nên sạch và khỏe hơn. Vậy sự thật về thải độc chì cho da mặt, Doctor Acnes sẽ giải đáp cho độc giả thông qua bài viết dưới đây.
Hút chì da mặt là gì?
Hút chì da mặt, còn được gọi là “thải độc chì”, là một liệu trình thẩm mỹ phổ biến tại các spa hiện nay. Quy trình thường bao gồm các bước làm sạch sâu, tẩy tế bào chết và xông hơi, sau đó sử dụng máy hút chì da mặt để loại bỏ độc tố. Cuối cùng, tinh chất nuôi dưỡng da sẽ được thoa lên để thẩm thấu vào bên trong da.
Thực tế bản chất của “thải độc chì” là việc sử dụng một số chất không rõ nguồn gốc bôi lên mặt, kết hợp với mồ hôi và bã nhờn, bụi bẩn trong lỗ chân lông… dưới tác động của nhiệt độ, có thể tạo ra phản ứng hóa học trên da mặt, gây ra một lớp màu đen. Đây là một phản ứng hóa học tự nhiên và bình thường, nhưng nhiều người lầm tưởng rằng đó là chì trong da được thải ra ngoài. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, cần tìm hiểu kỹ về quy trình hút chì da mặt và tìm nguồn tin đáng tin cậy để có được thông tin chính xác và đầy đủ.
Hút chì thải độc cho da mặt có tốt không
Các cơ sở làm đẹp thường sử dụng một loại gel không rõ nguồn gốc và thành phần hoạt chất bên trong đó, khi bôi lên mặt có thể gây ra tình trạng ửng đỏ, ngứa, phát ban, kích ứng đối với làn da nhạy cảm. “Máy hút chì” tại spa thường chỉ là máy áp suất cao giúp giãn nở lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn dưới lỗ chân lông và tẩy tế bào chết. Về cơ bản, “thải độc chì” chỉ giúp làn da sạch sẽ hơn, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và có thể làm da sáng hơn. Tuy nhiên, để tránh những tác hại không mong muốn, tốt nhất không nên mạo hiểm hút chì cho da.
Làn da có thật sự cần “thải độc chì”?
Nếu lo lắng về việc chì có tồn tại trong da mặt thì cần hiểu rằng trên thực tế sau khi chì được hấp thụ (qua hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da – niêm mạc), chì sẽ đi vào máu và có tới 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì sẽ di chuyển vào các tổ chức mềm và vào xương. Trong thời gian dài, chì sẽ tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt là ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì cơ thể tập trung ở xương, ở trẻ em là 70%. Do đó, việc “hút chì” ra khỏi da mặt không có cơ sở.
Chì đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm từ hàng trăm năm trước, do tình trạng ngộ độc đã ảnh hưởng đến thần kinh và nội tạng. Hiện nay, các loại mỹ phẩm chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàm lượng chì rất nhỏ, không đáng kể hoặc không có chì.
Nguyên nhân và cách nhận biết khi nhiễm độc chì
Chì là một kim loại nặng có thể tồn tại trong khí thải từ các động cơ đốt và nhà máy, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn được nuôi trồng trong vùng ô nhiễm và mỹ phẩm kém chất lượng. Chì có thể xâm nhập vào cơ thể qua ba con đường hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da – niêm mạc.
Nhiễm độc chì toàn thân thường xảy ra ở những người làm việc lâu ở nhà máy hóa chất, xăng dầu có chì, nung, nấu chì, tinh chế chì; dùng thuốc cam, hồng đơn chứa nhiều chì; hoặc người dùng các sản phẩm mỹ phẩm có nhiều chì giúp bám chặt vào da. Khi bị nhiễm độc chì, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng như táo bón, cáu kỉnh, huyết áp cao, vấn đề về giấc ngủ, dễ cáu gắt, thiếu máu, đau đầu, mệt mỏi và giảm trí nhớ.
Cách chăm sóc để làn da được “detox” tự nhiên mà không cần “thải độc chì”
Để tránh việc “thải độc chì cho da” mà chưa biết rõ hiệu quả của nó, mỗi người nên học cách chăm sóc da mỗi ngày một cách khoa học. Các yếu tố cơ bản cần lưu ý bao gồm uống đủ nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh, ngủ đủ giấc, bôi kem chống nắng 2-3 giờ/lần và trước khi ra ngoài đường 30 phút, và tìm hiểu kỹ về thành phần và nguồn gốc mỹ phẩm trước khi sử dụng. Nếu có thể, tìm hiểu sử dụng dược mỹ phẩm vì tiêu chuẩn sản xuất dược mỹ phẩm có yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều so với mỹ phẩm thông thường.
Một số mẹo detox cho da tự nhiên có thể áp dụng bao gồm xông hơi mặt, đắp mặt nạ thải độc (mặt nạ đất sét, mặt nạ than hoạt tính, mặt nạ sủi bọt…), massage da, uống các loại nước detox cho da và cơ thể (dưa leo – lá bạc hà, dưa hấu – chanh – lá bạc hà, chanh – mật ong…), bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày và tập luyện thể thao thường xuyên.
Hút chì da mặt không có thật, các liệu trình tại spa chỉ giúp làn da sạch sẽ hơn. Vì thế để đảm bảo độ an toàn và tối ưu hiệu quả, việc lựa chọn địa chỉ làm đẹp uy tín và chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng để có một làn da khỏe đẹp.
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.
Nguồn: https://doctoracnes.com/su-that-ve-hut-chi-da-mat-de-thai-doc-cho-da/