Hiểu về tác dụng phụ của isotretinoin và phương pháp phòng ngừa
Isotretinoin là một hoạt chất thuộc nhóm retinoid, một dạng vitamin A được dùng phổ biến để điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng. Mặc dù có nhiều lợi ích trong việc điều trị mụn như làm giảm sản xuất bã nhờn, giảm bít tắc lỗ chân lông, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và chống viêm, isotretinoin cũng đi kèm nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dùng. Cùng tìm hiểu tác dụng phụ iso nhé
Tác dụng phụ của isotretinoin?
Isotretinoin là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với mụn trứng cá mức độ vừa – nặng khi thất bại với các biện pháp thay thế nội khoa khác như kháng sinh. Cứ 10 người điều trị bằng isotretinoin thì có 9 người thấy mụn của họ được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng.
Tác dụng phụ trong thai kỳ
Isotretinoin gây ra nhiều dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như hở hàm ếch, dị tật tim, khuyết tật về trí tuệ và phát triển về sau, bệnh đầu nhỏ gây sảy thai hoặc thai chết lưu ở phụ nữ mang thai. Đây là thuốc được phân loại X – chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Tác dụng phụ trên niêm mạc
Da trở nên mỏng, đỏ và nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời như bị cháy nắng, khô hoặc kích ứng, đặc biệt trong 2 hoặc 3 tuần đầu điều trị.
Do isotretinoin hoạt động bằng cách giảm sản xuất bã nhờn làm da và niêm mạc trở nên khô ví dụ như môi nứt nẻ trầm trọng, chảy máu cam, khô mắt, khô miệng hoặc viêm da như chàm.
Tác dụng phụ toàn thân
Ở một số bệnh nhân, isotretinoin có thể làm giảm thị lực vào ban đêm.
Những bệnh nhân tăng triglyceride vượt 500 – 600 mg/dL và cholesterol – C từ 250 – 300 mg/dL nên ngừng điều trị với isotretinoin và theo dõi chỉ số lipid trong 3 – 6 tháng đầu và 3 tháng mỗi lần.
Bệnh nhân có thể xảy ra tình trạng đau cơ hoặc khớp nhưng thường nhẹ và có thể chịu đựng được. Nếu cơn đau trầm trọng có thể cần ngừng sử dụng hoặc giảm liều isotretinoin.
Tác dụng phụ gây rối loạn máu và hệ bạch huyết như giảm/tăng tiểu cầu, thiếu máu, tăng tốc độ lắng máu.
Các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa tác dụng phụ
Liệu trình điều trị với isotretinoin thường kéo dài 4 – 5 tháng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều biến cố không mong muốn với bệnh nhân. Cần tuân thủ thời gian tái khám để theo dõi đáp ứng cũng như theo dõi một số chỉ số lipid máu, chức năng gan và thận để ngăn ngừa những vấn đề tiềm ẩn.
Trước khi bắt đầu điều trị
Nếu bạn được Bác sĩ chỉ định isotretinoin, Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn trước khi bắt đầu điều trị.
Cần báo với Bác sĩ nếu dị ứng hoặc sử dụng các thuốc liên quan đến vitamin A (ví dụ tretinoin) và không dùng vitamin A hoặc hạn chế sử dụng thực phẩm giàu vitamin A (cà rốt, gan động vật, khoai lang, bông cải xanh) trừ khi có chỉ dẫn khác của Bác sĩ vì có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Khi đang điều trị với isotretinoin người bị mụn không sử dụng đồng thời kháng sinh tetracyclin, doxycyclin, minocyclin vì có nguy cơ làm tăng áp lực nội sọ.
Để được điều trị với isotretinoin, bạn có thể phải làm các xét nghiệm khi Bác sĩ yêu cầu. Xét nghiệm máu trước khi điều trị và một lần mỗi tháng cho đến tháng thứ 4 của quá trình và sau 1 tháng hoàn tất điều trị. Nếu các chỉ số sinh hóa bất thường cần được xử trí với isotretinoin như sau:
Nếu giá trị triglycerides (TG): > 500 mg/dL cần giảm liều isotretinoin và cân nhắc sử dụng thuốc hạ lipid máu (fibrat, statin hoặc niacin) cũng như theo dõi lipid thường xuyên hơn. Nếu bệnh nhân có chỉ số TG vượt > 800 – 1000 mg/dL có thể gây viêm tụy, cân nhắc ngừng sử dụng isotretinoin cho đến khi kiểm soát được lipid.
Nếu giá trị transaminase (AST, ALT) bất thường tăng 2 – 3 lần so với giá trị bình thường (GTBT) cần giảm liều và kiểm tra lại sau 2 tuần, hoặc có thể ngừng isotretinoin nếu không cải thiện. Đặc biệt phải ngừng điều trị ngay lập tức khi transaminase tăng hơn 3 lần so với GTBT.
Trong quá trình điều trị
Phần lớn phương pháp trị liệu bằng thuốc nào cũng đòi hỏi sự tuân thủ điều trị ở bệnh nhân để đạt được hiệu quả và an toàn sử dụng thuốc. Cần tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ khi sử dụng isotretinoin và không được chỉnh liều lượng hoặc thay đổi cách sử dụng mà không có sự chỉ dẫn của Bác sĩ. Lối sống và chế độ ăn cũng ảnh hưởng lớn đến những tác dụng phụ mà bệnh nhân gặp phải. Chế độ ăn giàu chất béo tốt như omega – 3 (cá hồi, quả óc chó…) giúp hạn chế phản ứng viêm của cơ thể trong những tình trạng mụn nặng. Đồng thời cần bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh và trái cây.
Sau quá trình điều trị
Không nên hiến máu hoặc truyền máu trong thời gian dùng thuốc và sau khi dùng thuốc tối thiểu 1 tháng. Điều này nhằm ngăn ngừa bệnh nhân mang thai nhận máu có chứa thuốc.
Một số người bệnh phải dùng isotretinoin nhiều lần. Nếu cần dùng lại isotretinoin, có thể bắt đầu dùng lại từ 8 đến 10 tuần sau kết thúc đợt điều trị đầu tiên.
Tóm lại, để ngăn ngừa các tác dụng phụ của isotretinoin, bạn cần được trang bị kiến thức về chống nắng, dưỡng ẩm, bảo vệ da cũng như tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Xét nghiệm máu là cần thiết đối với tất cả bệnh nhân dùng isotretinoin để theo dõi những bất thường liên quan đến rối loạn gan mật và chuyển hóa lipid. Việc sàng lọc theo dõi các thay đổi tâm trạng, rối loạn tâm thần và thay đổi thị giác nên được thực hiện trước và trong quá trình trị liệu.
Xem thêm: uống isotretinoin bao lâu thì ngưng
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 07 0838 0878.
Nguồn: https://doctoracnes.com/tac-dung-phu-cua-isotretinoin/